Vắc xin phòng dại – giải pháp giúp phòng tránh bệnh dại nguy hiểm

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm lây truyền từ động vật sang người do virus dại gây ra. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật. Tiêm vắc xin phòng dại là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

Phụ nữ mang thai có thể tiêm vắc xin phòng dại được không?

Bệnh dại là một bệnh nặng. Ở những trường hợp tiêm vắc xin phòng dại sau phơi nhiễm, do bệnh dại có diễn biến nguy hiểm, nên phụ nữ đang mang thai không chống chỉ định tiêm, không được thay đổi lịch tiêm phòng khi biết đang mang thai.

Tiêm vắc xin cho những người có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh dại cao, cần phải cân nhắc đánh giá lợi và hại trước khi tiêm. Có thể tiêm vắc xin phòng dại khi đang cho con bú sữa mẹ trong trường hợp cần thiết.

Nếu trong khi đang tiêm phòng theo lịch hẹn mà phát hiện mình có thai, cần hỏi ý kiến của bác sỹ vì chỉ bác sỹ mới có thể quyết định lịch tiêm phòng phù hợp với tình trạng của từng người. Tùy từng trường hợp cụ thể bác sỹ sẽ quyết định có nên tiêm phòng hay không.

Tiêm vắc xin phòng dại có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không?

Nhiều người có tâm lý lo lắng vắc xin phòng dại có hại cho sức khỏe, không muốn đưa người bị chó cắn đi tiêm, hoặc dù khá lo lắng khi bị chó cắn nhưng thấy con chó vẫn còn khỏe nên chưa đi tiêm phòng. Nhưng đó là suy nghĩ sai lầm và nguy hiểm, có thể phải trả giá bằng tính mạng.

Tuy khi bị chó dại cắn, không phải 100% người bị cắn phát bệnh dại mà có người bị, có người không. Nhưng không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không và trên thực tế, qua thống kê các trường hợp tử vong gần đây, gần như 100% số ca phát dại chưa được tiêm vắc xin phòng dại.

Còn về việc tiêm vắc xin phòng dại có ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là hệ thần kinh hay không, theo các nghiên cứu, vắc xin phòng dại thế hệ mới được chiết xuất từ tế bào thận khỉ, hay tế bào lưỡng bội người hoặc tế bào vero tinh khiết, đồng thời virus dại đã được bất hoạt với quy trình sản xuất chặt chẽ, chất lượng vắc xin tốt hơn nên không có những tác dụng phụ lên hệ thần kinh như vắc xin cũ (vắc xin thế hệ cũ được sản xuất từ não chuột nên độ tinh khiết không cao và tồn dư các tế bào từ não chuột làm tỷ lệ phản ứng bất thường cao).

Do đó, mọi người hoàn toàn yên tâm và không phải lo lắng về tác dụng phụ của vắc xin như mọi người đã quan niệm trước đây. Thời gian vàng để điều trị dự phòng bệnh dại là 24 – 48 giờ sau khi bị cắn. Thời gian càng kéo dài thì hiệu quả điều trị càng kém và nạn nhân càng có nguy cơ cao bị tổn thương tế bào thần kinh.

Thời gian tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị chó, mèo cắn

Bệnh dại là bệnh chủ yếu xảy ra ở động vật máu nóng như chó, mèo. Người mắc bệnh dại là do chó bị bệnh dại cắn hoặc cào. Nước dãi của chó nhiễm bệnh có nhiều virus dại sẽ truyền sang người qua vết cắn, vết cào hoặc vết thương trầy xước trên da.

Sau khi bị chó dại cắn hay cào, thời gian ủ bệnh ở người có thể từ 2 – 8 tuần, cũng có khả năng kéo dài đến hơn một năm. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng virus dại được truyền sang người. Người bị mắc bệnh dại cũng có hai thể lâm sàng là thể hung dữ và thể liệt.

Những trường hợp cần phải tiêm đồng thời cả vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại khi bị chó cắn nghi ngờ là chó dại hoặc đang lên cơn dại, có vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chỉ nơi có nhiều dây thần kinh, bộ phận sinh dục dù vết cắn rất nhẹ, có nhiều vết cắn nguy hiểm, vết cắn sâu.

Sau khi bị chó, mèo cào, cắn cần rửa sạch vết thương với thật nhiều nước và xà phòng, sau đó sát trùng bằng cồn i-ốt, đi tiêm vắc xin phòng dại ngay những giờ đầu tiên là biện pháp hữu hiệu nhất ngăn cản virus dại xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương. Việc tiêm vắc xin phòng dại chính là cuộc chạy đua giữa vắc xin và virus, bệnh dại khi đã lên cơn thì không thể chữa được. Do đó, để tránh tai biến do chó cắn tốt nhất khi bị chó cắn nên đi tiêm phòng ngay không phải chờ theo dõi và không phải lo ngại ảnh hưởng vắc xin,

==============

Mọi thông tin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN Y TẾ SÀI GÒN

Địa chỉ: 61/33 Mã Lò, P. Bình Trị Đông A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Hotline: 028 3762 6879 – 0905 843 781

Email: sgmjsc@yahoo.com

Website: www.vacxinsaigon.com

Bài viết có thể bạn quan tâm: Bảo vệ sức khỏe của trẻ bằng việc tiêm vắc xin viêm não mô cầu