Theo Thông tư 38/2017/TT-BYT “Quy định danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc”, có hiệu lực từ 1/1/2018 do Bộ Y tế vừa ban hành, bệnh truyền nhiễm và vắc xin thực hiện tiêm bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), áp dụng cho các trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, bao gồm 10 bệnh: viêm gan vi rút B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp b; bệnh sởi, viêm não Nhật bản B, Rubella.
Trong đó, có hai vắc xin được chỉ định tiêm bắt buộc cho các bé sơ sinh (viêm gan vi rút B sơ sinh tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và vắc xin lao tiêm một lần cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh). Thông tư 38 cũng quy định rõ về lịch tiêm chủng quy định cho mối loại vắc xin, đối tượng tiêm. Các đối tượng tiêm 10 vắc xin nêu trên được miễn phí do ngân sách nhà nước mua.
Theo hướng dẫn tại thông tư này, nếu chưa tiêm đúng lịch thì tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó nhưng phải đảm bảo phù hợp với đối tượng và hướng dẫn của chương trình TCMR; việc tiêm chủng chiến dịch hoặc tiêm chủng bổ sung được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong từng trường hợp cụ thể; danh mục này cũng sẽ được cập nhật và bổ sung trong trường hợp cần thiết.
Theo danh mục tại Thông tư 38, vắc xin tả không còn trong danh mục tiêm chủng bắt buộc với trẻ nhỏ (theo quy định hiện hành tại Thông tư 26/2011/TT-BYT ngày 24/6/2011).
Từ 1/1/2018, bắt buộc tiêm chủng phòng 10 bệnh truyền nhiễm cho trẻ dưới 5 tuổi – Ảnh 1
Tiêm chủng góp phần phòng chống nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng
Thông tư 38 cũng quy định đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc với 8 bệnh: bạch hầu, bại liệt, ho gà, rubella, sởi, tả, viêm não Nhật Bản, bệnh dại. 8 vắc xin sinh phẩm này được sử dụng cho những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch.
So với quy định cũ, danh sách này đã giảm 13 bệnh (viêm gan vi rút A, viêm gan vi rút B, lao, quai bị, thương hàn, sốt vàng, thủy đậu, Rota vi rút, uốn ván, viêm màng não do não mô cầu, viêm phổi do phế cầu;viêm màng não do vi khuẩn Hib…) không còn trong danh mục tiêm bắt buộc.
Việc xác định phạm vi và đối tượng sử dụng vắc xin thuộc danh mục quy định bắt buộc do sở y tế xem xét quyết định hoặc chỉ đạo của Bộ Y tế trên cơ sở tình hình dịch bệnh, điều kiện cung ứng vắc xin, nguồn lực của địa phương.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, danh mục các bệnh và vắc xin, sinh phẩm bắt buộc với trẻ em và người có nguy cơ mắc được điều chỉnh cho phù hợp vơi mô hình bệnh tật, các yếu tố gây dịch tại Việt Nam. Việc tiêm chủng bắt buộc đã được quy định lại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Theo đó, các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng là những bệnh thuộc diện bắt buộc phải tiêm để duy trì miễn dịch cộng đồng. Tiêm chủng bắt buộc là để tăng cường miễn dịch cho đối tượng được tiêm và đồng thời bảo vệ cho cả cộng đồng.
“Nếu vẫn còn những đối tượng không được tiêm chủng thì bệnh vẫn có thể tiếp tục lưu hành trong cộng đồng và có thể lây cho những đối tượng chưa có miễn dịch, nhất là những đối tượng chưa đủ tuổi để tiêm chủng”- ông Phu cảnh báo.